Khám phá ngôi chùa lớn nhất Việt Nam – chùa Bái Đính (Phần 1)
Khu chùa Bái Đính mới xây trên trên một triền đồi rộng thuộc xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, ngay gần chùa Bái Đính cổ. Nếu Bái Đính cổ là chùa hang thì Bái Đính mới là chùa xây rất đồ sộ. Đây là khu vực thắng cảnh tuyệt vời có nhiều núi đá vôi nổi lên giữa vô số sông, ngòi, đầm, hồ,…
Chùa Bái Đính mới trải dài tới 800m từ chân lên đỉnh đồi. Tuy đều được xây đầu thế kỷ XXI nhưng tất cả các tòa kiến trúc Phật giáo kể trên đều mang đậm phong cách kiến trúc cổ Á Đông như: mái lợp ngói ống, đầu đao cong, cột tròn, hệ vì kéo kiểu chùa cổ. Ngoài ra còn có nhiều công trình phụ trợ khác như Bảo tháp 14 tầng, Bảo tàng Phật giáo Việt Nam, Nhà Khách, Nhà Tăng, Khu thờ mẫu, Khu thờ Tổ, Khu tháp Mộ sư, hồ Phóng Sinh, hồ Đàm Thị…
Tính đến nay, đây là ngôi chùa có nhiều công trình giữ kỷ lục quốc gia nhất, tiêu biểu như: Bộ tượng Tam Thế bằng đồng lớn nhất, Ngôi chùa có giếng nước lớn nhất, Tượng Phật Thích Ca bằng đồng cao và nặng nhất, Chuông đồng to và nặng nhất, Chùa có hành lang La Hán lớn nhất…và còn rất nhiều hạng mục đã và đang làm nên những kỳ tích mới.
Hãy cùng với Dai Nam Travel khám phá kiến trúc của chùa Bái Đính nhé!
1. Tam Quan
Cổng tam quan là bộ mặt của một ngôi chùa, chư tăng, tín đồ và du khách ra vào đều phải qua đây. Tam quan được xem như cửa ải giữa hai thế giới thánh phàm, tịnh nhiễm nhằm thanh lọc và bảo hộ tâm hồn mỗi khi ra vào. Bởi vậy, người ta thường gọi cổng tam quan của nhà chùa là cửa Phật, cửa Tam bảo, cửa Thiền, cửa Giải thoát…
Tam Quan chùa Bái Đính được xây dựng đồ sộ, uy nghi, hài hòa trong bố cục kiến trúc tổng thể, phối hợp giữa cảnh vật và giáo lý giải thoát của nhà Phật nhằm giúp cho người bước vào luôn có cảm giác thoát tục, gạt bỏ ra ngoài những thị phi phiền muộn, thoát tục, dọn lòng thanh tịnh trước khi vào lễ Phật bái tổ.
2. Gác chuông
Nổi bật trong quần thể kiến trúc là gác chuông cao vút 3 tầng hình bát giác đường kính đáy 49m, cao 22m, khắc họa hình ảnh một đài sen. Tám mặt tháp để thông thoáng, không xây tường, có hệ cầu thang dẫn lên đỉnh tháp để du khách có thể lên ngắm ra bốn phương tám hướng để cảm nhận cái hư vô của trời đất.
Giữa lòng tháp có treo một quả chuông đồng lớn. Bài thỉnh chuông có câu dẫn rằng: “ Nguyện xin chuông Đại Hùng vang vọng biển pháp âm, cho chúng sinh bừng cơn mộng nghe âm thanh giác ngộ đến Bồ Đề”.
3. Đại Hồng Chung
Nhiều học giả cho rằng tiếng chuông thể hiện một khái niệm triết học của nhà Phật. Khi ta gõ chuông phát ra âm thanh, âm thanh đó tan vào không gian, rồi biến mất. Vạn vật cũng như vậy, đều từ không sinh ra có, rồi lại trở về không vậy.
Chùa Bái Đính hiện có 2 quả chuông đồng hiện đang giữ ngôi nhất – nhì ở Việt Nam. Chuông lớn cao 10m, đường kính miệng 5m, nặng 36 tấn, treo trong tòa tháp chuông. Chuông thứ hai cao 5,6m, đường kính miệng 5m, nặng 27 tấn được treo trong tòa Tam Thế. Khách thập phương đến đây sẽ đượ nghe tiếng chuông ngân nga đánh thức cái vô thường trong tâm trí hướng tới sự thanh tịnh.
4. Điện Quan Âm
Teen đầy đủ là Điện thờ Quan Thế Âm Bồ Tát, đây là tòa kiến trúc đặc sắc nhất bởi được làm hoàn toàn bằng gỗ quý, với hệ thống vì kèo cửa vách theo lối kiến trúc cổ truyền Việt Nam. Điện cao 14,8 m, dài 41,8m, rộng 17,4m, gồm 7 gian. Gian giữa của điện, trên bệ cao đặt tượng Quan Thế Âm Bồ Tát thiên thủ, thiên nhãn (nghìn mắt nghìn tay).
5. Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát
Theo kinh Phật thì Ngài đã thành Phật từ đời quá khứ cách nay vô lượng kiếp, hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai, nhưng vì nguyện lực Đại bi, muốn làm lợi ích cho chúng sinh nên Ngài hiện thân Bồ - tát để dễ dàng hoàn thành đại nguyện. Quan Thế Âm Bồ Tát được xem là vị Bồ Tát có thần lực nhất, chỉ sau Phật tổ. Tượng được đúc bằng đồng, nặng 80 tấn, cao 9,57m. Đây cũng là một pho tượng Quan Thế Âm Bồ Tát bằng đồng lớn nhất ở Việt Nam.
6. Điện Pháp Chủ
Đó là tòa kiến trúc nổi bật phía sau điện Quan Âm Bồ Tát. Điện thờ có diện tích mặt bằng gần như vuông: dài 47,7m, rộng 45,5m và chiều cao 30m, với hai tầng mái có 8 đầu đao cong, điện có 5 gian, gian giữa rất rộng dài đến 13,5m, 4 gian hai bên, mỗi gian dài 8m. Đặc biệt nơi đây sẽ thu hút khách thập phương tới chiêm ngưỡng và lễ bái kho tượng Phật tổ Thích Ca bằng đồng uy nghi, giữ kỷ lục Việt Nam. Điện còn có treo 3 bức hoành phi và 3 cửa võng. Đây là bức hoành phi và cửa võng lớn nhất chỉ có ở chùa Bái Đính.
Nguồn: Tổng hợp
Cùng Dai Nam Travel khám phá chùa Bái Đính dịp Tết Âm Lịch này nhé >>>
Dai Nam Travel - Niềm tin troa trọn, thỏa chí tiêu dao
Hotline: 0948 895 836