Non nước Cao Bằng – vùng đất của những trải nghiệm
Cách thủ đô Hà Nội khoảng 300km về phía đông bắc, Non nước Cao Bằng là một trong 13 Công viên địa chất toàn cầu mới được UNESCO công nhận. Đến đây, du khách không chỉ có dịp khám phá vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú cùng những di tích văn hóa lịch sử đặc sắc mà còn có cơ hội trải nghiệm, tìm hiểu bản sắc văn hóa đa dạng của đồng bào các dân tộc thiểu số địa phương.
Đặc biệt, 3 “tuyến đường trải nghiệm” Công viên địa chất Non nước Cao Bằng gồm “Khám phá Phia Oắc – vùng núi của những đổi thay”, “Hành trình về nguồn cội”, “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên” hứa hẹn sẽ đem đến cho du khách những cảm nhận đặc biệt về vùng đất và con người nơi địa đầu phía bắc này.
Tuyến tham quan “Khám phá Phia Oắc – vùng núi của những đổi thay” sẽ đưa du khách về phía tây của thành phố Cao Bằng, nơi có khu du lịch sinh thái Phia Oắc – Phia Đén (huyện Nguyên Bình) với thảm thực vật phong phú, hệ sinh thái đa dạng và khí hậu quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình từ 18 - 25ºC. Ngay khi vừa tới bìa rừng, du khách đã cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt của khí hậu, luồng không khí mát lạnh khiến tâm trạng mỗi người trở nên phấn chấn, khoan khoái và dễ chịu. Vào sâu bên trong, những cánh rừng thông già cỗi dần dần hiện ra, xen kẽ thảm cỏ xanh tự nhiên trông như dải lụa uốn lượn rất bắt mắt. Trên cung đường dẫn lên đỉnh Phia Oắc, du khách có thể phóng tầm mắt chiêm ngưỡng cảnh núi rừng trùng điệp, hùng vỹ cùng những thung lũng vàng rực khi tới mùa lúa chín. Đặc biệt, vào mùa đông, trên đỉnh núi Phia Oắc – Phia Đén thường xuyên xuất hiện băng giá khiến khung cảnh nơi đây trở nên huyền ảo và thi vị hơn.
Khu vực Phia Oắc – Phia Đén là nơi đồng bào Mông, Dao tiền, Dao đỏ sinh sống trong các bản làng xa xôi, hẻo lánh, tách biệt với cuộc sống ồn ào của đô thị. Đến đây, du khách có thể dừng chân tham quan Di chỉ đại dương cổ, đồn Khai Phắt, Hợp tác xã thêu hoa văn và in sáp ong của người Dao tiền; mỏ thiếc Tĩnh Túc, vonfram Lũng Mười và Bản Ổ; trang trại cá hồi Phia Đén; đồn điền chè Kolia; đặc biệt là Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo – nơi thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Từ thành phố Cao Bằng ngược lên phía bắc, du khách sẽ đến với tuyến tham quan thứ hai - hành trình “Về nguồn cội” để tìm hiểu, khám phá nhiều di tích văn hóa lịch sử đặc sắc thuộc địa phận hai huyện Hòa An và Hà Quảng như: thành Bản Phủ, thành Nà Lữ, đền vua Lê, đền thờ Nùng Trí Cao, chùa Đà Quận, khu mộ anh hùng liệt sỹ Kim Đồng... Trong đó, điểm nhấn của tuyến tham quan này là Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng. Đây là khu di tích gồm nhiều điểm đến gắn với một thời kỳ lịch sử đặc biệt quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Cách mạng Việt Nam những năm 1941- 1945, thời kỳ chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Trên hành trình trở về “cội nguồn cách mạng”, du khách có dịp đến thăm cột mốc 108 (nay là mốc 675) - nơi Bác Hồ đặt bước chân đầu tiên sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài; nhà ông Lý Quốc Súng, hang Cốc Bó - nơi Bác chọn làm chỗ ở và làm việc; bàn đá “chông chênh dịch sử Đảng”; suối Lênin, núi Các Mác, lán Khuổi Nặm... Tại nhà trưng bày ở khu di tích, du khách sẽ không khỏi xúc động khi nhìn thấy những kỷ vật của Bác như: chiếc máy chữ, chiếc làn mây cũ, đôi dép cao su...
Về phía đông của Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, du khách sẽ tham gia tuyến du lịch “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên” thuộc địa bàn các huyện Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Phục Hòa và Trùng Khánh. Điểm dừng chân đầu tiên là huyện Trà Lĩnh với hai điểm đến hấp dẫn là đèo Mã Phục và “Mắt Thần núi”. Đèo Mã Phục là một trong những con đèo đẹp nhất ở Cao Bằng, có chiều dài hơn 3,5km, độ cao gần 700m so với mực nước biển, qua 7 tầng dốc. “Mắt Thần núi” hay núi “Phja piót” thực chất là một hang thủng hình tròn đường kính hơn 50m, nằm ở độ cao khoảng 50m so với mặt hồ. Ở đây vào mùa mưa có một hồ nước rộng khoảng 15ha mang tên Nặm Trá, đi về phía bên phải hồ là thác nước Nặm Trá ầm ào tuôn đổ xuống dòng suối trong xanh.
Rời Trà Lĩnh, du khách đến huyện Quảng Uyên, nơi tập trung chủ yếu đồng bào dân tộc Nùng sinh sống với những làng nghề truyền thống như làng hương Phja Thắp, xã Quốc Dân và làng rèn xã Phúc Sen. Đến đây, du khách sẽ bất chợt được lắng nghe những câu hát Hèo Phưn sâu lắng, tiếng sli, hát lượn ngọt ngào, da diết của các chàng trai, cô gái trong sắc áo chàm đặc trưng. Hàng năm, tại Quảng Uyên có hơn 14 hội xuân lớn nhỏ, nổi bật là lễ hội pháo hoa và lễ hội Thanh Minh.
Tiếp tục hành trình, du khách sẽ đến vùng đất Hạ Lang để vãn cảnh chùa Sùng Phúc và tham quan các điểm di sản địa chất lý thú như Đại dương cổ và Lục địa cổ ở xã Minh Long.
Điểm đến cuối của hành trình này là huyện Trùng Khánh với thác Bản Giốc - thác lớn thứ 4 thế giới trong các thác nước nằm trên đường biên giới giữa các quốc gia. Cách thác Bản Giốc 3km là động Ngườm Ngao, một trong những hang động đẹp nhất nước bởi hệ thống nhũ đá và măng đá tạo nên những khung cảnh sinh động, kỳ thú khiến con người phải kinh ngạc. Du khách cũng có thể vãn cảnh chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc hay ngắm dòng sông Quây Sơn thơ mộng.
Non nước Cao Bằng là một vùng đất tiềm ẩn nhiều giá trị tự nhiên và văn hóa đang chờ đợi du khách khám phá và trải nghiệm. Đó chắc chắn sẽ là những hành trình thú vị và không thể nào quên đối với bất cứ ai khi đặt chân đến vùng non nước nơi biên ải phía bắc này.