Quảng trường Ba Đình là khu vực cửa tây của cổ thành Thăng Long. Quảng trường Ba Đình được coi là trái tim của thủ đô Hà Nội. tại đây từng diễn ra những sự kiện trọng đại của thủ đô và cũng là của cả nước Việt Nam mến yêu.
Vào đầu thời Pháp thuộc, tại nơi này thực dân phá thành Thăng Long cũ để làm một vườn hoa nhỏ gọi là “điểm tròn Puginier”. Năm 1945 có tên là vườn hoa Ba Đình.
Tên Ba Đình được dùng để gợi nhớ dải đất Ba Đình ở tỉnh Thanh Hóa, nơi từng nổ ra cuộc khởi nghĩa chống Pháp,kéo dài từ tháng 9 năm 1886 đến tháng 1 năm 1887.
Vào ngày 2 – 9 – 1945, nửa triệu đồng bào Hà Nội và các vùng phụ cận đã liên tục đưa nhau về quảng trường này để dự lễ Độc lập. Lễ đài dựng giữa quảng trường. Bốn mặt hình thang phủ vải đỏ, ở giữa có hình nổi ngôi sao vàng năm cánh.
Đúng 14 giờ, chính phủ lâm thời đã có mặt đông đủ trên lễ đài. Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập. Nửa triệu người hân hoan và xúc động, im phăng phắc lắng nghe tiếng nói của nhà lãnh tụ. Bác đọc xong, chính phủ lâm thời tuyên thệ.
Ngày 9 – 9 – 1969, sáu ngày sau khi Hồ Chủ tịch qua đời, cũng tại nơi này lễ truy điệu Người được cử hành trọng thể. Mười vạn đồng bào thủ đô và các địa phương cùng 34 đoàn đại biểu quốc tế đã tới dự.
Ngày nay, mặt chính của quảng trường, ở mặt Tây là lăng Hồ Chủ tịch. Trước lăng là quảng trường với 320m chiều dài và 100m chiều rộng, đủ chỗ cho 20 vạn người dự mít tinh.
Thực ra, quảng trường là 168 ô cỏ bốn mùa xanh tươi. Ở giữa quảng trường là cột cờ cao 30m. Quảng trường Ba Đình đã trở thành không gian thiêng liêng của thủ đô Hà Nội.
Lăng Bác Hồ là một công trình kiến trúc có tính cách văn hóa và lịch sử, khởi công từ ngày 2 -9 -1973, trên vị trí của tòa lễ đài cũ giữa quảng trường Ba Đình, nơi mà từ mấy mươi năm qua Bác Hồ đã từng chủ tọa các cuộc mít tinh. Ngày 21 – 8 – 1978, Lăng được làm lễ khánh thành.
Lăng gồm 3 lớp với chiều cao 21,6m. Lớp dưới tạo dáng bậc thêm tam cấp, cấ dưới của bậc thềm là lễ đài dành cho Đoàn chủ tịch các cuộc mít tinh tổ chức tại quảng trường. Lớp giữa là kết cấu trung tâm của lăng gồm phòng thi hài và các hành lang cùng các cầu thang lên xuống. Quanh bốn mặt là những hàng cột vuông bằng đá hoa cương, nhìn từ mặt nào cũng thấy năm khoảng đều nhau gợi nhớ ngôi nhà năm gian quen thuộc của mọi miền quê Việt Nam. Lớp trên cùng là mái lăng, cũng hình tam cấp.
Ở mặt chính có dòng chữ: Chủ Tịch Hồ Chí Minh bằng đá hồng ngọc màu mận chín.
Bước vào phòng ngoài, người ta có thể thấy trên nền đá hoa cương màu đỏ sẫm hàng chữ vàng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, ở dưới là dòng chữ ký quen thuộc của Bác. Lên cầu thang là nơi Bác an nghỉ. Trên nền tường ốp đá trắng gắn nổi hình cờ Đảng và cờ nước. Đài hoa được ghép bằng đá đen huyền lấp lánh muôn ngàn hạt sáng. Trên đó được đặt hòm kính thi hài Bác. Qua lớp kính trong suốt, Bác như vừa ngả lưng chợp mắt trong giấy lát. Vẫn bộ quần áo kaki bạc màu. Dưới chân Bác vẫn đôi dép cao su giản dị.
Cách bố trí lối đi ra từ ba phía cho phép nhiều người được vào viếng Bác cùng lúc. Mọi người dân nước Việt Nam và kể cả khá nhiều khách nước ngoài đều mong muốn kính viếng Bác để tỏ lòng biết ơn và kín trọng một vị lãnh tụ đem lại vinh quang về cho cả một dân tộc cùng niềm tự hào cho nhân loại vào thế kỷ 20.
Thăm viếng lăng Bác, người ta cũng chú trọng tới việc vào thăm ngôi nhà giản dị, đơn sơ mà Bác Hồ đã từng sống và làm việc vào cuối đời. Ngôi nhà đã tiềm tàng bao tình nghĩa của đồng bào trong nước và ngoài nước với những cây trái từ khắp miền quê hương được đồng bào đem biếu để vun trồng.
Trong nhà còn lưu giữ bao kỷ vật Bác thường dùng lúc còn sống, như chiếc mũ sắt bộ đội đã từng được Bác dùng trong suốt thời kỳ chiến tranh, một bàn gỗ nhỏ, chiếc tủ con đặt đầu giường, có cuốn sách “Cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông”, đồ dùng hàng ngày của Bác là hai chiếc quạt, một quạt giấy và một quạt lá cọ, chiếc phích nhỏ, một chai nước nguội, chiếc cốc thủy tinh, chiếc chổi tre xua muỗi đặt ở góc nhà.
Nguồn: Tổng hợp
Cùng Dai Nam Travel tìm hiểu văn hóa và lịch sử Việt Nam nhé >>>>
Dai Nam Travel - Niềm tin trao trọn, thỏa chí tiêu dao
Hotline: 0948 895 836